Tin tức - Sự kiện

null Ý nghĩa “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam” ngày 22/5 hàng năm

Việt Nam, với đặc điểm vị trí địa lý nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, có bờ biển trải dài, dễ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, thiên tai. Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, thiên tai luôn là thách thức vô cùng to lớn đối với không chỉ các cá nhân mà còn cả cộng đồng, xã hội.

Từ xa xưa, ông, cha ta đã rất quan tâm đến việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đối với các loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán,… Nhiều công trình trị thủy, đặc biệt là hệ thống đê điều, thủy lợi đã được xây dựng và tu bổ để đối phó với lũ, lụt, hạn hán nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân, góp phần phát triển xã hội, đất nước. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, có thể nói cuộc đấu tranh phòng, chống thiên tai đã tạo nên bản lĩnh kiên cường của dân tộc. Lũ lớn năm 1945 đã khiến một số tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bị vỡ tại 79 vị trí, gây ngập lụt cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với nạn đói vừa mới xảy ra, vỡ đê và lụt lội làm cho tình thế cách mạng càng thêm khó khăn, đời sống nhân dân thêm khốn đốn. Ngay sau đó, trong thời gian đầu đầu của nước Việt Nam độc lập, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 70 thành lập Uỷ ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Cơ quan chỉ huy, chỉ đạo công tác phòng, chống bão, lụt, thiên tai ngày nay.

Để khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão; nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ và toàn thể Nhân dân trong cả nước nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đồng thời để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/3/1990 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 89-HĐBT lấy ngày 22/5 hàng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam”.

Ngày 13/02/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 173/QĐ-TTg về Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai, theo đó xác định, hàng năm lấy tuần lễ từ ngày 15-22 tháng 5 là “Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai”. Từ đó đến nay, hàng năm, kỷ niệm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai kết hợp kỷ niệm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam đã được các cấp, các ngành hưởng ứng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng với các chủ đề khác nhau của từng năm:

- Năm 2019: “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”

- Năm 2020: “Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”

- Năm 2021: “Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”

- Năm 2022: “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”

- Năm 2023: “Từ ứng phó đến hành động sớm”

- Năm 2024: “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”

- Năm 2024: “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai”

- Năm 2025: Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai