Tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023
Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa có Văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023
Thực hiện Chỉ thị số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 01/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1092/UBND-KTN ngày 14/4/2023 chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện chỉ thị trên, cụ thể:
1. Đối với công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng công trình đê điều và các công trình đang thi công liên quan đến đê điều:
(Thi công Cống qua đê - trạm bơm Bộ Đầu, huyện Thường Tín)
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu thi công khắc phục sự cố, hư hỏng công trình đê điều xảy ra trên địa bàn; đặc biệt quan tâm xử lý và tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa lũ, bão trước; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống công trình đê điều đảm bảo chất lượng, kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2023; đồng thời chỉ đạo lập phương án bố phòng hộ đê, bảo vệ trọng điểm, điểm xung yếu trong mùa lũ, bão năm 2023.
- Có văn bản gửi các Chủ đầu tư có dự án liên quan đến đê điều đang thực hiện trên địa bàn quản lý, đề nghị chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến đê điều hoàn thành xong trước mùa lũ năm 2023 (trước ngày 15/6/2023), đồng thời xây dựng phương án bảo vệ công trình trong mùa lũ, bão năm 2023.
- Huy động nguồn lực địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão.
2. Đảm bảo an toàn đối với các cống dưới đê trong mùa lũ, bão:
(Cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm)
- Đối với những cống dưới đê đã xảy ra sự cố, hư hỏng những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang thi công, phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các cống lớn, đáy cống thấp như cống Cẩm Đình (trên đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ), cống Tảo Khê, cống Tân Độ (trên đê Hữu Đáy, huyện Mỹ Đức) ...
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện các cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời, hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không đảm bảo an toàn; đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao cụ thể trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ động chuẩn bị đủ các điều kiện theo phương châm "4 tại chỗ" và tổ chức thực hiện; lập phương án cấp nước (hoặc tiêu nước) hỗ trợ để hạn chế ảnh hưởng do việc hoành triệt cống gây lên.
- Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa lũ phải chấp hành nghiêm quy trình đóng, mở. Đối với những cống chưa có quy trình vận hành, các đơn vị được giao trực tiếp quản lý lập quy trình vận hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt xong trước ngày 15/6/2023.
- Đối với cống do các Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi: Hà Nội, Sông Đáy, Sông Nhuệ, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Sông Tích, Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội quản lý phải có quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong việc thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các sự cố. Đối với những cống dưới đê khác, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ định ngay tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành.
3. Đối với công tác chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong mùa lũ, bão năm 2023:
- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời phối hợp hiệp đồng với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được phê duyệt.
- Phối hợp với các sở ngành, các đơn vị có liên quan chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.
- Căn cứ phương án hộ đê năm 2023, chỉ đạo thường xuyên rà soát phương án đã lập, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho sát với thực tế; chỉ đạo chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến đê, đảm bảo về số lượng và chất lượng cũng như tính kịp thời, không bị động khi có tình huống xảy ra. Ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn).
- Tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, hậu cần, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ sung kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong phương án; thực hiện tốt việc tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác hộ đê (lực lượng xung kích, lực lượng tuần tra canh gác đê…), đặc biệt là lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn.
- Chuẩn bị dụng cụ, vật tư trên các điếm canh đê, tổ chức và thực hiện nghiêm chế độ tuần tra canh gác bảo vệ đê theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BNN ngày 06/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quy định của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê, kè, cống; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và tổng hợp, báo cáo thường xuyên kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều trong mùa lũ, bão.
4. Đối với công tác quản lý đê điều:
- Tổ chức tổng kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, đê điều đối với các công trình xây dựng, lắp dựng trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bãi sông; rà soát, phân loại, hoàn thiện hồ sơ, xử lý đối với các trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, đê điều ở khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều như: xây dựng, lắp dựng công trình, lều lán, nhà xưởng, đổ chất thải, phế thải xây dựng, lấn chiếm lòng sông, bãi sông, phạm vi bảo vệ đê điều...; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật. Kiểm tra việc chấp hành quyết định cấp phép đối với Chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều.
- Quản lý chặt chẽ phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực bãi sông đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại: Khoản 5, khoản 7, khoản 10 Điều 7, Điều 26, Điều 27, Điều 29 Luật Đê điều; khoản 3, Phần V, Điều 1 Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phòng thống lũ và quy hoạch để điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; điểm b, khoản 4, phần IV Điều 1 Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy.
- Quản lý chặt chẽ đất ngoài bãi sông (đất công, đất nông nghiệp), không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật; đồng thời rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với các khu vực diện tích đất bãi sông, ven đê sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai và các văn bản pháp luật có liên quan tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, bám sát địa bàn quản lý, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật; đồng thời có biện pháp ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới.
- Thông tin rộng rãi kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm qua các cơ quan truyền thông để cảnh báo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai.
5. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê; đồng thời xác định, xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, điểm xung yếu, làm cơ sở để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2023.
- Khẩn trương tham mưu đề xuất nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều, chủ động phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phủ duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện chỉ đạo nêu trên, tổng hợp báo cáo Uy ban nhân dân Thành phố theo quy định.
6. Giao các Sở, ban, ngành Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đễ diều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.
TH.