Ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ngày 10/5/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội có Văn bản số 1340/SNN-TLPCTT gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đề nghị ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại văn bản số 5198/VP-KTN ngày 05/5/2024 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố, Văn bản số 3106/BNN-ĐĐ ngày 02/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, đảm bảo an toàn chống lũ cho hệ công trình đê điều trên toàn Thành phố trong mùa mưa lũ năm 2024 và các năm tiếp theo, sử dụng diện tích đất khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã quan tâm, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực bãi sông, bãi nổi, trong phạm vi bảo vệ đê điều trên địa bàn, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật (nếu có), trong đó tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, kéo dài, buộc tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại bãi sông, lòng sông, phạm vi bảo vệ đê điều bị lấn chiếm theo hiện trạng ban đầu. Đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ diện tích đất tại khu vực bãi sông, bãi nổi, đất trong hành lang bảo vệ đê, thuộc địa bàn theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, đê điều, không để phát sinh vi phạm mới.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Phúc Thọ, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên và Gia Lâm xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc vi phạm đã được Thanh tra Thành phố kết luận và kiến nghị xử lý.
3. Tăng cường công tác quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã trong việc để vi phạm phát sinh nhưng không có biện pháp ngăn chặn, để vi phạm kéo dài, không kiên quyết xử lý dứt điểm theo thẩm quyền, hoặc không kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.
4. Thông tin rộng rãi kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm qua các cơ quan truyền thông để cảnh báo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đê điều.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ven đê để thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
6. Thường xuyên tổng hợp, gửi kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
(Hình ảnh đê Hà Nội)
TH-Chi cục Thủy lợi và PCTT Hà Nội